Nguồn tin:Trịnh Thu
  • Cập nhật:01/12/2016 05:07:24 CH

Cùng với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, xác định quan hệ với các địa phương của Lào là mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã chú trọng xây dựng và phát triển mối quan hệ này đi vào chiều sâu. Tính đến thời điểm hiện tại, Vĩnh Phúc đã thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị với 09 địa phương của Lào gồm Thủ đô Viêng-chăn và 8 tỉnh gồm: Luông-nậm-thà, U-đôm-xay, Luông-pha-băng, Phông-xa-lỳ, Bò-kẹo, Khăm-muộn và Hủa-phăn, Bô-ly-khăm-xay, trong đó đặc biệt phải kể đến mối tình gắn bó giữa hai tỉnh Vĩnh Phúc và Luông-nậm-thà. Trải qua mối quan hệ gần 40 năm từ khi hai tỉnh kết nghĩa anh em (23/11/1979) với nhiều giai đoạn phát triển, không ngừng được vun đắp và giữ gìn thông qua các hoạt động trao đổi đoàn, các hoạt động hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, giao lưu văn hóa, đặc biệt là chương trình hợp tác đào tạo cán bộ, trao đổi lưu học sinh đến học tại hai tỉnh của nhau. Cùng tin tưởng chắc chắn rằng, những thế hệ trẻ, những mầm non tương lai của hai tỉnh sẽ là viên gạch đặt nền móng để xây dựng và phát huy mối tình hữu hảo, truyền thống của hai tỉnh nói riêng cũng như hai nước Việt – Lào nói chung.


Ban Biên tập Bản tin Hữu nghị đã có những trò chuyện thú vị về những tâm tư, niềm vinh dự của các em lưu học sinh hai tỉnh Vĩnh Phúc – Luông-nậm-thà khi trở thành những người may mắn tham gia chương trình trao đổi đào tạo giữa hai tỉnh để lắng nghe họ chia sẻ:

Tập thể lưu học sinh chúng em sẽ phát triển và giữ gìn mối quan hệ hữu nghị Vĩnh Phúc – Luông-nậm-thà ngày càng sâu đậm và bền chặt

Sangkeo cùng các em LHS nước CHDCND Lào học tập tại Vĩnh Phúc  lên nhận quà của lãnh đạo Liên hiệp hữu nghị tỉnh

Đó là lời bộc bạch của Sang - keo – sinh viên năm thứ hai, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc, một trong 40 lưu học sinh  của tỉnh Luông-nậm- thà đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng tại Vĩnh Phúc do tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo. Sang keo cho biết:  hiện em đang theo học ngành kế toán, khóa học 2015-2018. Cùng khóa học với em còn có 26  lưu học sinh Lào đang theo học tại trường và 17 lưu học sinh học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc. Nói về lý do chọn Vĩnh Phúc để học tập, Sang- keo thổ lộ: là hai địa phương có quan hệ kết nghĩa từ lâu, đặc biệt Vĩnh Phúc đã ưu ái khi hỗ trợ toàn bộ kinh phí học tập trong 4 năm cho tất cả 40 em lưu học sinh của tỉnh Luông-nậm thà, đó cũng là điều kiện thuận lợi và mối lương duyên để Sang-keo có cơ hội được có mặt tại Vĩnh Phúc để sống và học tập tại mảnh đất hiền hòa và mến khách và thân thiện.

Kể về quãng thời gian hơn một năm sống tại Vĩnh Phúc, Sang-keo hào hứng kể: Trong việc học tập và sinh hoạt hàng ngày chúng em đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và hết sức yêu quý của các thầy, cô giáo, bạn bè và người dân Vĩnh Phúc. Làm cho tập thể lưu học sinh Lào cảm thấy thân mật, ấm áp không khác gì với quê hương của mình. Hơn nữa nhà trường còn tổ chức buổi gặp mặt lưu học sinh Lào, tổ chức ngày Quốc khánh Lào, tổ chức hoạt động đá bóng giữa giáo viên với lưu học sinh Lào và đưa chúng em đi tham quan như Tam Đảo, Tây Thiên... Trong một năm học tập tại trường nhờ có được sự quan tâm, gần gũi, giúp đỡ của các thầy, cô giáo và bạn bè đã giúp cho kết quả học tập của lưu học sinh Lào chúng em cũng khá tốt, riêng em năm học vừa qua đã giành được kết quả học tập kỳ một thuộc loại giỏi và kỳ hai thuộc loại xuất sắc. Cùng với thuận lợi, Sang-keo nói thêm: những khó khăn về rào cản ngôn ngữ cũng là hạn chế khiến cho kết quả học tập chưa đạt được kết quả tốt nhất; hay như lúc thời tiết thay đổi bất ngờ khiến cho sức khỏe không đảm bảo. Nhưng đấy chỉ là khó khăn nhỏ chúng em có thể cố gắng khắc phục làm sao có thể học tập, rèn luyện thật tốt để không phụ lòng lãnh đạo, nhà trường và người dân của hai tỉnh.

Rất ấn tượng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp của Vĩnh Phúc như Tây Thiên, Tam Đảo, Đại Lải, nhưng cảm xúc Sang-keo không thể quên đó là được đứng trên núi Tam Đảo hít thở thật sâu và từ từ cảm nhận đừng luồng gió se se lạnh vào trong nhịp thở và ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn nhỏ về đêm cùng với con người Vĩnh Phúc rất hiền lành, tốt bụng và thân thiết . Đây là những điều em sẽ kcho bạn bè , gia đình và đồng nghiệp khi em trở về nước.

Sang – keo hứa rằng: Sau khi em học xong em sẽ trở về nước và lãnh hội các kiến thức đã tiếp thu  được từ thầy, cô giáo để phát triển đất nước và quê hương Luông-nậm-thà, quan trọng hơn nữa em và tập thể lưu học sinh Lào sẽ tiếp tục phát triển và giữ gìn tình cảm đoàn kết của mối quan hệ kết nghĩa giữa hai nước Lào – Việt Nam nói chung, mối quan hệ kết nghĩa đặc biệt giữa tỉnh Luông –nậm-t và Vĩnh phúc nói riêng luôn luôn sâu sắc và ngày càng bền vững.

Ước mơ trở thành một người kết nối ngôn ngữ, văn hóa Lào cho những ai quan tâm, yêu mến đất nước Triệu Voi


Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Luông-nậm-thà tặng giấy khen và quà cho Đức Huấn sau một năm công tác tại Sở


Cao Đức Huấn 26 tuổi, quê Tứ Trưng – Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc,  vừa trở về sau khi tốt nghiệp tại Trường Đại học Quốc gia Lào, là lưu học sinh Vĩnh Phúc tham gia khóa học do tỉnh U-đôm-xay tài trợ 5 năm (2010 – 2015), 1 năm học tiếng và 4 năm học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, khoa Kinh tế. Sau đó Huấn may mắn có cơ hội được thực tập và làm việc 1 năm tại Sở Ngoại vụ tỉnh Luông-nậm-thà do tỉnh Luông-nậm-thà giúp đỡ và tạo điều kiện về nơi sinh hoạt và làm việc.

Trước khi sang học tập tại Lào, Huấn đã rất ấn tượng với đất nước Triệu Voi qua những trang sách báo và thông tin trên mạng Internet. Nhận thấy nhiều điểm tương đồng về phong tục tập quán, sự đa dạng và phong phú về văn hóa; con người Lào hòa đồng, sống tình cảm, chu đáo và thân thiện. Đó là lý do khiến Huấn chọn Lào là nơi để học tập, xây ước mơ cho tương lại của mình. Qua quãng thời gian 6 năm học tập, làm việc, tìm hiểu và sinh sống ở Lào, Huấn cho biết, hiện nay ở nước Lào có khá nhiều nhà đầu tư của Việt Nam sang Lào để kinh doanh, đầu tư; cộng đồng người Việt định cư, làm việc tại Lào không ngừng tăng lên, chính vì vậy nhu cầu trao đổi, học tiếng Lào của người Việt Nam tăng khá cao. Với chuyên ngành lựa chọn, Huấn mong muốn có thể đóng góp một phần nhỏ bé của mình để trở thành cầu nối cho những ai muốn tìm hiểu về đất nước Triệu Voi; xây dựng sự kết nối, trao đổi thông tin liên lạc kịp thời với một số cơ quan, đơn vị nơi Huấn có thời gian làm việc tại Luông-nậm-thà; cung cấp những kiến thức, văn hóa, giảng dạy ngôn ngữ Lào cho các bạn trẻ,  đặc biệt là người dân Vĩnh Phúc.

Nhớ lại quãng thời gian 6 năm sống tại Lào, Huấn không khỏi bùi ngùi, xúc động: “Cũng như tất cả các bạn lưu học sinh khác khi đến một đất nước mới, vùng đất mới, con người và nền văn hóa mới, chúng em đều không tránh khỏi sự bỡ ngỡ, lạ lẫm; rồi nỗi nhớ nhà, quê hương luôn thường trực, da diết. Thế nhưng em và các bạn lưu học sinh bắt nhịp rất nhanh với cuộc sống mới. Bởi Lào là đất nước thân thiện, cuộc sống không hối hả, xô bồ. Hơn nữa, khi học tập ở trường Đại học em nhận được nhiều sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của các bạn sinh viên và các thầy, cô giáo. Rồi khi thực tập tại Sở Ngoại vụ tỉnh Luông-nậm-thà, em được các cán bộ, đồng nghiệp ở cơ quan, hướng dẫn, chỉ bảo, giải quyết khó khăn nhanh chóng và kịp thời. Ngoài thời gian làm việc, em còn tham gia rất tích cực các hoạt động bên ngoài như: giao lưu thể thao với các bạn Lào ở trong kí túc xá, các sở, ban, ngành của tỉnh Luông-nậm-thà; tham gia các ngày lễ dân tộc cùng cơ quan và các bạn Lào em đã quen trong thời gian đi học.

Huấn còn kể, Cộng động người Việt Nam sinh sống và làm việc ở Lào khá đông, có tinh thần đoàn kết, chịu thương chịu khó, giúp đỡ lẫn nhau cùng xây dựng cộng đồng người Việt tại Lào ngày càng vững mạnh, được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện sinh sống như công dân nước sở tại; bà con người Việt luôn nhận được quan tâm giải quyết các nhu cầu chính đáng, các doanh nghiệp Việt Nam sang kinh doanh đầu tư tại Lào được hỗ trợ kịp thời. Đối với Hội sinh viên Việt Nam học ở Lào cũng đã thành lập gia rất nhiều hội như: Hội sinh viên Việt – Lào, Đoàn Lưu học sinh Việt – Lào, Hội Việt  Nam sinh sống ơt Lào… là nơi sinh hoạt, nói chuyện, gặp gỡ giao lưu nói chuyện và hỗ trợ, giúp đỡ cho các sinh viên Việt khi sang Lào học tập.

Vừa trở về từ Lào, Huấn đã được nhận vào làm việc tại Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Vĩnh Phúc. Huấn cho biết, muốn trở thành một phiên dịch viên giỏi, giảng dạy tiếng Lào cho những ai quan tâm, có ý định học tập, sinh sống, kinh doanh trước đi đến với đất nước Triệu Voi. Huấn hi vọng tại nơi công tác mới em sẽ phát huy được những điều đã học tập tại Lào để trở thành cầu nối cho mối quan hệ đoàn kết hữu nghị,  truyền thống đặc biệt giữa hai nước Việt – Lào nói chung, hai tỉnh Vĩnh Phúc – Luông-nậm-thà nói riêng ngày càng bền chặt và sâu sắc.

Thực hiện: Trịnh Thu

 


Nguồn tin:Trịnh Thu

Thống kê truy cập

  • duong-link-khong-co Đang online: 15
    duong-link-khong-co Hôm nay: 83
    duong-link-khong-co Hôm qua: 119
    duong-link-khong-co Tuần này: 4,238
    duong-link-khong-co Tuần trước: 1,609
    duong-link-khong-co Tháng này: 237,982
    duong-link-khong-co Tháng trước: 246,021
    duong-link-khong-coTất cả: 2,388,166