Nguồn tin:Báo Quang Nam
  • Cập nhật:06/01/2022 09:47:04 SA

LTS: Sau 25 năm tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã tạo nên nhiều dấu ấn quan trọng và toàn diện trên mọi mặt đời sống KT-XH, từ một tỉnh thuần nông vươn lên thành tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước. Nhân dịp này, Báo Vĩnh Phúc có bài phỏng vấn đồng chí Trịnh Đình Dũng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, người đã có một thời kỳ dài gắn bó và có nhiều đóng góp to lớn vào sự phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc.


Nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

PV: Kính thưa đồng chí, Vĩnh Phúc giai đoạn mới tái lập gặp vô vàn khó khăn bởi xuất phát điểm là một tỉnh thuần nông, cơ sở hạ tầng KT-XH gần như không có gì. Là một trong những lãnh đạo chủ chốt của tỉnh thời kỳ này, đồng chí có thể cho biết bối cảnh và những động lực chính để Vĩnh Phúc có thể bứt phá vươn lên?

Đồng chí Trịnh Đình Dũng: Giai đoạn 1997-2000, khi đó mới tái lập Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước. Thu nhập bình quân đầu người chỉ xấp xỉ 50 USD/năm. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, công nghiệp chỉ là con số không. Người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng KT-XH nghèo nàn.

Tuy nhiên, việc tái lập tỉnh đã tạo ra động lực to lớn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Mặc dù những năm đầu cơ sở làm việc thiếu thốn, các cơ quan của tỉnh phải làm việc “nhờ” tại các cơ sở của thị xã Vĩnh Yên, nhưng mọi người đều phấn khởi, quyết tâm vượt qua khó khăn, làm việc quên mình để xây dựng và phát triển tỉnh.

Khi đó, phòng làm việc của tôi cũng như các đồng chí lãnh đạo tỉnh khác chỉ là dãy nhà cấp 4 tạm bợ, nhưng chúng tôi luôn nung nấu, quyết tâm tìm mọi giải pháp để Vĩnh Phúc phát triển. Nhìn rộng ra, không chỉ bản thân tôi mà toàn bộ đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên thời ấy dường như đều có tâm lý chung là được làm việc và mong muốn được cống hiến.

Có lẽ, do ý thức được cái nghèo khó, vất vả của địa phương nên ai trong chúng tôi cũng khát khao làm được điều gì đó lớn lao cho dân, cho tỉnh. Đây chính là một trong những cơ sở quan trọng, là nền móng để Vĩnh Phúc sau này luôn đi đầu trong những cơ chế, chính sách thể hiện rõ sự năng động, sáng tạo, quyết liệt và dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.

PV: Đồng chí có thể cho biết những quan điểm, định hướng chiến lược và những giải pháp cốt lõi để đưa Vĩnh Phúc vượt qua những khó khăn sau tái lập, đột phá, vươn lên trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thu ngân sách và thực hiện các chính sách xã hội?

Đồng chí Trịnh Đình Dũng: Chúng ta đều biết, Vĩnh Phúc có khá nhiều lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng phát triển KT-XH. Nhưng làm gì để biến tiềm năng, lợi thế thành hiện thực là điều không đơn giản. Để giải quyết được những vướng mắc ngay từ tư tưởng, nhận thức, đề ra những chủ trương, định hướng lớn đến thống nhất hành động trong toàn Đảng bộ, các cấp chính quyền là một quá trình rất khó khăn. Tập thể lãnh đạo tỉnh khi ấy đã thường xuyên trăn trở, tìm tòi xem phải làm gì, làm như thế nào để tạo ra sức mạnh bứt phá, tận dụng được tối đa những lợi thế sẵn có.

Chúng tôi xác định, để phát triển KT-XH nhanh và bền vững, Vĩnh Phúc cần phải tập trung để tranh thủ thời cơ, khai thác tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức trước mắt cũng như lâu dài.

Cụ thể, giai đoạn 1997-2000, trong bối cảnh tỉnh mới tái lập, điều kiện kinh tế rất khó khăn, tiềm lực hạn chế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra phương hướng đặc biệt quan trọng là  “Tập trung mọi nguồn lực tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Hướng chủ yếu là phát triển mạnh công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...”.

Từ những định hướng này, Vĩnh Phúc đã chú trọng đảm bảo cơ bản các cơ sở làm việc cho các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; đầu tư từng bước cơ sở hạ tầng KT-XH; thực hiện chính sách “trải thảm đỏ” và “đi tắt đón đầu”, tập trung ưu tiên các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất thuận lợi về vị trí địa lý để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Từ đó, đã thu hút được một số dự án quan trọng, làm tiền đề cho sự phát triển KT-XH của tỉnh sau này... KT-XH từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn, và có bước phát triển quan trọng. Vĩnh Phúc cũng tập trung cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực và phẩm chất để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ rất nặng nề đang đặt ra.

Trong 10 năm từ 2000-2010, Vĩnh Phúc phát triển đột phá, tạo nền tảng chắc chắn cho các giai đoạn tiếp theo. Từ một tỉnh nghèo, có quy mô công nghiệp nhỏ, thu ngân sách thấp, Vĩnh Phúc đã trở thành tỉnh trong tốp đầu về phát triển công nghiệp và thu ngân sách. Hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH có bước phát triển đồng bộ, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Làm được điều đó, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp tục kế thừa truyền thống của quê hương Hai Bà Trưng anh hùng, kế thừa những thành tựu của các thời kỳ trước, đặc biệt là kế thừa những thành tựu của giai đoạn 1997-2000 để đề ra những quan điểm mới, những định hướng chiến lược và giải pháp đột phá để huy động các nguồn lực cho phát triển Vĩnh Phúc.

Vĩnh Phúc đã đề ra và thực hiện thành công một chủ trương rất mới, bắt nguồn từ quan điểm không hề duy ý chí mà mang đầy tính khoa học về phát triển KT-XH. (1) Phải coi nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân là lĩnh vực đặc biệt quan trọng; (2) lấy công nghiệp là nền tảng để tạo ra sự tăng trưởng nhanh, tạo ra nhiều việc làm mới nhằm giảm lao động trong nông nghiệp, giảm số lượng nông dân, giúp cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân. Phát triển công nghiệp để thu được nhiều ngân sách, đáp ứng yêu cầu đầu tư và tái đầu tư phát triển, hỗ trợ cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. (3) Tập trung phát triển các lĩnh vực dịch vụ, lấy du lịch là mũi nhọn để khai thác các tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên của Vĩnh Phúc.

Với định hướng chiến lược phải phát triển Vĩnh Phúc thành một tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc như Bác Hồ đã mong muốn khi Người về thăm Vĩnh Phúc năm 1963, Vĩnh Phúc đã đề ra mục tiêu phải sớm trở thành một tỉnh công nghiệp và sớm trở thành một thành phố Vĩnh Phúc trực thuộc Trung ương.

Để thực hiện những định hướng trên, một mặt tỉnh tập trung để thu hút các nhà đầu tư, coi các nhà đầu tư đến đầu tư tại Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc. Đồng thời, Vĩnh Phúc đã đề ra hệ thống các giải pháp để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đó là các giải pháp về quy hoạch; về chủ động quỹ đất; về đầu tư kết cấu hạ tầng; về xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư; về cải cách hành chính đặc biệt là thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong đầu tư và sản xuất kinh doanh; về phát triển nguồn nhân lực và về yêu cầu ổn định xã hội.

Thực hiện các quan điểm, định hướng và giải pháp trên, Vĩnh Phúc đã tập trung cho công tác quy hoạch như quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông, quy hoạch sử dụng đất… Đặc biệt là quy hoạch đô thị Vĩnh Phúc, đây là mô hình quy hoạch đầu tiên của cả nước được luật hóa và được áp dụng rộng rãi cho các địa phương sau này.

Việc xây dựng những quy hoạch trên thể hiện tầm nhìn chiến lược, từ đó đã tạo ra không gian phát triển mới cho Vĩnh Phúc. Và đây chính là nền tảng quan trọng, là nhân tố quyết định phát triển nhanh và bền vững cho Vĩnh Phúc trong tương lai.

PV: Xin đồng chí nói rõ hơn về công tác quy hoạch và những định hướng trong công tác phát triển đô thị để đưa Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh công nghiệp và một thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai.

Đồng chí Trịnh Đình Dũng: Trước hết, về quy hoạch, như các đồng chí đã biết, ngay từ khi tái lập tỉnh, giai đoạn 1997-2000, Vĩnh Phúc đã tập trung làm các quy hoạch về phát triển đô thị, như quy hoạch chung đô thị Vĩnh Yên, các quy hoạch một số thị trấn, thị tứ trong tỉnh để làm cơ sở cho việc thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo đô thị. Nhờ đó, bộ mặt đô thị Vĩnh Phúc đã có bước phát triển - hệ thống các công sở, cơ quan làm việc được đầu tư xây dựng; một số công trình hạ tầng đô thị từng bước hình thành.

Bước vào giai đoạn 2000-2010, tỉnh đã tập trung vào việc lập các quy hoạch, như các quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch đô thị Vĩnh Phúc, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, các khu du lịch, quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông…

Các quy hoạch này chính là định hướng cho phát triển Vĩnh Phúc và là nhân tố để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Thứ hai, quá trình đô thị hóa luôn gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, dịch vụ hóa. Vì vậy, để đảm bảo phát triển bền vững, chúng ta phải chủ động định hướng và quản lý quá trình phát triển, không để xảy ra tình trạng phát triển tự phát, phong trào làm giảm hiệu quả đầu tư xây dựng, ảnh hưởng đến chất lượng phát triển.

Mặt khác, đô thị có vị trí đặc biệt quan trọng trong không gian phát triển của đất nước, của mỗi vùng, miền, mỗi địa phương. Quá trình công nghiệp hóa, dịch vụ hóa sẽ thúc đẩy quá trình phát triển đô thị và việc phát triển đô thị sẽ là động lực để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu KT-XH của mỗi vùng, mỗi địa phương.

Vì vậy, một mặt để Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh công nghiệp, thì phải đặc biệt quan tâm đến phát triển hệ thống đô thị Vĩnh Phúc.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa XIII nhiệm kỳ 2005-2010 đã đặt ra mục tiêu phải sớm đưa Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh công nghiệp và phải đưa Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Để thực hiện mục tiêu trên, một mặt Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung tổ chức lập các quy hoạch. Trong đó, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc và quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc có nhiều đột phá về quan điểm, định hướng phát triển đô thị, nông thôn. Cơ cấu quy hoạch xây dựng vùng tỉnh được hoạch định rõ ràng, phát huy được lợi thế của từng vùng miền trong tỉnh; trong đó toàn tỉnh phân thành 4 vùng kinh tế - lãnh thổ và phân bố các vùng phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp; lấy đô thị Vĩnh Phúc (quy mô quy hoạch 318,6 km2 trên cơ sở các đô thị hiện hữu và các khu vực đô thị hóa xung quanh) làm trung tâm, động lực phát triển cho cả tỉnh, gắn kết với vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các tỉnh lân cận. Các quy hoạch trên từng bước đã khẳng định được vai trò là công cụ đắc lực cho điều hành phát triển KT-XH của tỉnh.

Cùng với công tác quy hoạch, Vĩnh Phúc đã tập trung để tổ chức đầu tư xây dựng, thực hiện quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn và đã đạt được những thành tựu to lớn. Đến nay, bộ mặt đô thị và nông thôn của Vĩnh Phúc đã có bước phát triển vượt bậc.

Đặc biệt, Vĩnh Yên đã trở thành đô thị loại II, một đô thị có nhiều cây xanh, mặt nước, với hệ thống kết cấu hạ tầng khá đồng bộ, cảnh quan đô thị xanh-sạch-đẹp, lãng mạn, văn minh, một đô thị đáng sống.

Cùng với đô thị Vĩnh Yên, sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị trong tỉnh như Phúc Yên, Bình Xuyên, Xuân Hòa, Đại Lải… đã và đang được kết nối trong hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ để hình thành thành phố Vĩnh Phúc trong tương lai.

PV: Xin đồng chí cho biết những bài học kinh nghiệm mà cá nhân đồng chí và lãnh đạo các thời kỳ đã rút ra trong chặng đường phát triển quê hương, đặc biệt là trong 25 năm kể từ ngày tái lập tỉnh.

Đồng chí Trịnh Đình Dũng: Có nhiều bài học kinh nghiệm mà Đảng bộ tỉnh đã tổng kết, đặc biệt là trong các kỳ đại hội. Nhưng theo tôi, không thể quên một số bài học then chốt sau đây.

Trước hết, phải xây dựng, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực để thực hiện nhiệm vụ. Đối với cán bộ chủ chốt ở mọi cấp, mọi ngành phải có bản lĩnh, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phục vụ nhân dân.

Thứ hai, để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và tạo môi trường cho đầu tư phát triển cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cần phải tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, đặc biệt là những tuyến giao thông lớn, có vai trò kết nối phát triển. Đồng thời, chủ động huy động nguồn lực để đầu tư các đô thị có vai trò động lực, lan tỏa.

Thứ ba, để Vĩnh Phúc phát triển thì phải phát triển mạnh mẽ đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp phát triển, sẽ tạo nhiều việc làm, tạo sự tăng trưởng kinh tế và đóng góp ngân sách cho nhà nước… Vì vậy, cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu phải luôn chăm lo, phát triển doanh nghiệp, tránh phiền hà, sách nhiễu; phải tập trung tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc và tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp và người dân đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, phải luôn chăm lo để nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân, phải lắng nghe, quan tâm đến những tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời những bức xúc của người dân.

Và cuối cùng, điều không thể thiếu được là mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn chăm lo xây dựng sự đoàn kết trong mỗi đơn vị, cũng như trong toàn Đảng bộ. Đoàn kết phải trên nguyên tắc của Đảng, tránh đoàn kết xuôi chiều, đoàn kết hình thức. Đoàn kết phải trở thành sức mạnh cho sự phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc.

Kỷ niệm ngày tái lập tỉnh Vĩnh Phúc là dịp chúng ta ôn lại chặng đường vẻ vang mà các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Vĩnh Phúc đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ để đạt được. Tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc hôm nay sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương Vĩnh Phúc anh hùng, đưa Vĩnh Phúc sớm trở thành một tỉnh giàu có, phồn vinh, một tỉnh công nghiệp, một thành phố trực thuộc Trung ương.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Quang Nam (thực hiện)


Nguồn tin:Báo Quang Nam

Thống kê truy cập

  • duong-link-khong-co Đang online: 21
    duong-link-khong-co Hôm nay: 109
    duong-link-khong-co Hôm qua: 90
    duong-link-khong-co Tuần này: 199
    duong-link-khong-co Tuần trước: 4,304
    duong-link-khong-co Tháng này: 238,247
    duong-link-khong-co Tháng trước: 246,021
    duong-link-khong-coTất cả: 2,388,431