Nguồn tin:Trịnh Thu
  • Cập nhật:16/02/2020 04:03:35 CH

Không chỉ khẳng định vị trí dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Hồng về thu ngân sách, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, khép lại năm 2019, bức tranh kinh tế Vĩnh Phúc còn đánh dấu sự bứt phá ngoạn mục của ngành công nghiệp –xây dựng khi đóng góp tới 6,65 điểm % vào tăng trưởng chung, tạo nền tảng vững chắc để Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy lớn nhất miền Bắc và là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.


Từ lấy công nghiệp làm nền tảng

Sớm nhận ra các lợi thế như: Hội tụ đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông; nằm liền kề sân bay quốc tế Nội Bài, nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Quảng Ninh, là vanh đai phát triển công nghiệp phía Bắc và có tháp dân số trẻ, ngay khi tái lập năm 1997, Vĩnh Phúc đã xác định mục tiêu “Lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, phát triển dịch vụ - du lịch là mũi nhọn và coi nông nghiệp, phát triển nông thôn là nhiệm vụ quan trọng”.

Để thực hiện được mục tiêu này, trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực; ban hành và điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cho phù hợp với từng giai đoạn. Cùng với đó, chủ động về quỹ đất, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn lực đất đai, hạ tầng điện nước, thông tin liên lạc, ưu đãi thuế, tiếp cận vốn, đào tạo và tuyển lao động. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng, có tính hấp dẫn, cạnh tranh cao để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của Trung ương, tỉnh đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi riêng đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp như: áp dụng mức thuế suất thuê thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất phần mềm, sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải, sản xuất vật liệu composit, vật liệu quý hiếm; áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20% trong thời gian 10 năm đối với những dự án sản xuất thép cao cấp, sản xuất máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp hay tùy theo ngành nghề, dự án, các doanh nghiệp có thể được áp dụng chế độ miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 2 đến 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp từ 4 đến 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, tỉnh cũng miễn thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt bằng cho một số trường hợp.

Từ những chính sách mang tính đột phá, sau 22 năm tái lập, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Đến nay, tỉnh có 18 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, diện tích trên 5.200ha, 32 cụm công nghiệp diện tích trên 600ha. So với các tỉnh có cùng lợi thế lân cận thì Vĩnh Phúc nhiều hơn Bắc Ninh 2 khu và nhiều hơn Thái Nguyên 12 khu công nghiệp. Tất cả các khu, cụm công nghiệp đều có vị trí thuận lợi, nằm dọc các trục quốc lộ, tạo sức hấp dẫn, cạnh tranh cao, trong đó, có 8/12 khu đã có chủ đầu tư hạ tầng đi vào hoạt động gồm: Khu công nghiệp Khai Quang, Bình Xuyên, Kim Hoa, Bá Thiện, Bá Thiện II, Bình Xuyên, Bình Xuyên II và Thăng Long Vĩnh Phúc. Đặc biệt, ngành công nghiệp không chỉ phát triển mạnh ở vùng lõi là thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên, Tam Dương mà đã lan tỏa, dịch chuyển về các huyện phía Bắc như  Lập Thạch, Sông Lô. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cũng liên tục tăng, trong đó, khu công nghiệp Bình Xuyên, Kim Hoa, Bình Xuyên II, giai đoạn 1 đạt tỷ lệ lấp đầy 100%; khu công nghiệp Khai Quang có tỷ lệ lấp đầy 98% và khu Bình Xuyên 85%.

Công tác xây dựng hạ tầng, phát triển các khu, cụm công nghiệp được quan tâm. Riêng năm 2019, UBND tỉnh đã trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn giai đoạn I, cấp giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Bá Thiện - phân khu I; chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Tam Dương I, khu 2 và khu công nghiệp Sông Lô I; thành lập và giao chủ đầu tư cụm công nghiệp Trung Nguyên, cụm công nghiệp Vĩnh Sơn và cụm công nghiệp Thổ Tang - Lũng Hòa. Đồng thời, chỉ đạo thu hồi giấy chứng nhận đầu tư 2 dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Tam Dương II, khu B và khu công nghiệp Chấn Hưng.

Công nghiệp cất cánh với nhiều dự án đầu tư của Tập đoàn kinh tế lớn như: TALO, YCH, GSE&C (Singgapore), Kumho, Lotte (Hàn Quốc), Toyota, Honda (Nhật Bản)…đã giúp Vĩnh Phúc từ tỉnh phải nhận hỗ trợ từ Trung ương vươn lên trở thành 1 trong 13 tỉnh, thành có đóng góp cho ngân sách Trung ương từ năm 2004 đến nay và nhiều năm liên tiếp đứng thứ 2 miền Bắc, sau thủ đô Hà Nội về thu nội địa; nằm trong top 4 cả nước về chất lượng cơ sở hạ tầng và nằm trong nhóm có thứ hạng cao về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Đến phát triển công nghiệp công nghệ cao

Những ngày cuối năm, hoạt động ở khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc thật đặc biệt, bởi khác với các khu công nghiệp đi vào hoạt động, có tỷ lệ lấp đầu cao, ở khu công nghiệp này, cả nhà đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động hay các doanh nghiệp mới được cấp phép đầu tư, đang xây dựng nhà xưởng đều còn nhiều việc ngổn ngang và phải tăng tốc hoàn thành các hạng mục hạ tầng của giai đoạn 2, các chỉ tiêu sản xuất, đưa thêm nhà máy vào hoạt động ngay đầu năm 2020.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vực giai đoạn II của dự án, ông Nguyễn Xuân Lộc, Phòng quan hệ khách hàng, Công ty TNHH khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc cho biết: Dự án khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc được khởi công xây dựng từ tháng 9/2017, với tổng diện tích hơn 213ha. Sau 3 năm tập trung triển khai xây dựng, đầu tháng 11/2018, dự án khánh thành giai đoạn 1, với diện tích khoảng 100ha. Đến nay, dự án thu hút 15 doanh nghiệp đăng ký giữ chỗ, tổng vốn đầu tư 307 triệu USD, tăng 9 doanh nghiệp so với năm 2018, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 30%, trong đó, có 5 doanh nghiệp đang hoạt động, 4 doanh nghiệp đang xây dựng nhà máy. Tất các nhà đầu tư vào khu công nghiệp này đều đến từ Nhật Bản và hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất ô tô, xe máy. Đặc biệt, ngay sau khi hoàn thành giai đoạn I, Công ty bắt tay ngay vào triển khai thi công các hạng mục của giai đoạn II. “Với đội ngũ chuyên gia, kỹ sư có chuyên môn cao, trang thiết bị máy móc hiện đại và hàng trăm công nhân thường xuyên làm việc tại công trường, từ nay đến Tết nguyên đán Canh Tý, Công ty sẽ hoàn nhiều hạng mục quan trọng như: hệ thống đường, điện, phân lô...và sẽ hoàn thành giai đoạn II của dự án trong tháng 3/2020, vượt tiến độ đề ra từ 1đến 2 năm”- ông Lộc khẳng định.

Công ty TNHH khu công nghiệp Thăng Long đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giai đoạn 2
khu công nghiệp Thăng Long

Phấn khởi nói về tiến độ thi công hạ tầng vượt kế hoạch đề ra, ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH khu công nghiệp Thăng Long cho biết, ngoài thuận lợi mặt bằng có nền đất cứng, giúp giảm thiểu đáng kể chi phí xây dựng hạ tầng, nhà xưởng của các doanh nghiệp, Công ty luôn nhận được sự quan, hỗ trợ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục. Hiện đường Tôn Đức Thắng, đường Nguyễn Tất Thành do ngân sách tỉnh đầu tư đã hoàn thành nối khu công nghiệp với hệ thống giao thông thuận tiện; hệ thống điện, nước, viễn thông được đầu tư xây dựng đến chân hàng rào khu công nghiệp.

Cũng theo ông Minh: "Đáp lại niềm tin của lãnh đạo tỉnh dành cho doanh nghiệp, Công ty sẽ tập trung nhân lực, hệ thống máy móc hiện đại nhất để xây dựng khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu của tỉnh. Dự kiến trong 3 đến 5 năm tới, chúng tôi sẽ tập trung vào công tác khách hàng, sớm lấp đầy 100% diện tích, đồng thời hỗ trợ tối đa để đến năm 2030 các khách hàng đi vào sản xuất ổn định, khi đó, Thăng Long Vĩnh Phúc sẽ là nơi dừng chân của khoảng 80 nhà đầu tư thứ cấp đến từ Nhật Bản, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 40-50 nghìn lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển".

Liền kề khu công nghiệp Thăng Long, khu công nghiệp Bá Thiện cũng có sự chuyển mình nhanh chóng. Được thành lập từ tháng 12/2007, với diện tích 327 ha, sau khi hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, Bá Thiện đón doanh nghiệp đầu tiên là Tập đoàn Compal đến đầu tư xây dựng hạ tầng và triển khai Dự án sản xuất máy tính xách tay có giá trị đăng ký hơn 570 triệu USD giai đoạn I và sẽ nâng lên 1- 1,5 tỷ USD trong các giai đoạn sau. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thị trường máy tính bị thu hẹp, Dự án sản xuất máy tính của Compal bỏ dở ngang chừng; một số doanh nghiệp “vệ tinh” của Compal không triển khai xây dựng hoặc xin hoãn tiến độ đầu tư đã khiến khu công nghiệp Bá Thiện từng là bãi đất hoang, là nơi chăn thả trâu bò của các hộ dân khu tái định cư Trại Cúp. Trước thực trạng “đất vàng” bị bỏ hoang, sau nhiều lần gia hạn, cuối năm 2013, Vĩnh Phúc ra quyết định thu hồi hơn 300ha đất của khu công nghiệp Bá Thiện để mở cửa, chào đón các doanh nghiệp khác đến đầu tư. Đến nay, giai đoạn 1 của khu công nghiệp này đang là nơi “ăn nên, làm ra” của 25 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 88,12 triệu USD, đạt tỷ lấp đầy 100%.

Không chỉ có 2 khu công nghiệp trên, với nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, sau 22 năm tái lập, Vĩnh Phúc luôn khẳng định là điểm đến hấp dẫn của cả nhà đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp, nhà đầu tư truyền thống, tiềm năng và nhà đầu tư đến từ các nước có thế mạnh về vốn, công nghệ như Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Ước hết năm 2019, toàn tỉnh có 1.139 dự án, trong đó có 752 dự án DDI, tổng vốn đăng ký trên 78.000 tỷ đồng, 378 dự án FDI đến từ 17 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ USD. Sự lớn mạnh và hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp trên các lĩnh vực tỉnh khuyến khích đầu tư như: công nghiệp hỗ trợ ô tô, xe máy, điện tử, viễn thông, công nghiệp chế biến thức phẩm...đã giúp ngành công nghiệp liên tục tăng trưởng qua các năm, từ 170.000 tỷ đồng năm 2017 tăng lên 199.210 tỷ đồng năm 2018 và tăng lên 244,8 nghìn tỷ đồng năm 2019.

Công nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1997-2019 đạt 14,66%, công nghiệp – dịch vụ chiếm 90%. Riêng năm 2019, ngành công nghiệp – xây dựng tiếp tục là động lực, giữ vai trò chủ lực trong tăng trưởng chung của tỉnh, với mức tăng 13,11%, đóng góp 5,9 điểm % vào tăng trưởng GRDP của tỉnh. Đồng thời, đưa cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng khu vực ngành nông nghiệp giảm còn 7,37%; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 62,41%; khu vực dịch vụ chiếm 30,22%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.

Thời gian để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ của cả nước và là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020 không còn nhiều, vì thế, cùng với tập trung hoàn thiện hạ tầng khung đô thị, Vĩnh Phúc rất cần và luôn khuyến khích các nhà đầu tư vào các dự án công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ ô tô, xe máy, điện tử, viễn thông, công nghiệp chế biến thực phẩm; các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại, tạo kết nối và liên kết cụm, ngành.

Tại buổi tọa đàm “Vĩnh Phúc – điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư châu Âu, Hoa Kỳ”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì cho biết, với quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đạt mục tiêu 3 tốt, gồm: Môi trường pháp lý tốt và toàn diện, hạ tầng kỹ thuật tốt và phục vụ doanh nghiệp tốt, Vĩnh Phúc cam kết sẽ tạo lập môi trường đầu tư tốt nhất cho các doanh nghiệp bằng việc áp dụng đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định thống nhất của quốc gia; triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh. Giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai, giải quyết tốt những vấn đề về lao động cho doanh nghiệp; bảo đảm hạ tầng tới chân hàng rào khu, cụm công nghiệp, khu du lịch và các điều kiện đầu vào thiết yếu cho sản xuất kinh doanh; giải quyết nhanh các thủ tục hành chính về đầu tư. Công khai minh bạch quy trình thủ tục đầu tư, quy hoạch xây dựng và đất đai, quy hoạch ngành, lĩnh vực trên hệ thống thông tin điện tử; giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, giảm từ 30-50% thời gian theo quy định chung. Cùng với đó, thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật và không quá một lần/năm kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra. 

Với những nỗ lực ghi điểm trong mắt các nhà đầu tư, nhất là từ thành công sau các chuyến công tác xúc tiến đầu tư của lãnh đạo tỉnh và thành công từ buổi tọa đàm Vĩnh Phúc – điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư châu Âu, Hoa Kỳ”, dòng vốn đầu tư từ các dự án FDI, DDI sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Và khi đó, vóc dáng ngành công nghiệp Vĩnh Phúc ngày càng lớn mạnh.

Thanh Nga (vinhphuc.gov.vn)


Nguồn tin:Trịnh Thu

Thống kê truy cập

  • duong-link-khong-co Đang online: 31
    duong-link-khong-co Hôm nay: 35
    duong-link-khong-co Hôm qua: 90
    duong-link-khong-co Tuần này: 125
    duong-link-khong-co Tuần trước: 4,304
    duong-link-khong-co Tháng này: 238,173
    duong-link-khong-co Tháng trước: 246,021
    duong-link-khong-coTất cả: 2,388,357