Nguồn tin:(Ban Tuyên giáo Trung ương)
  • Cập nhật:24/07/2024 10:51:35 SA

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, nhưng những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của đồng chí vẫn còn mãi trong lòng Đảng, dân tộc và Nhân dân Việt Nam. Trong đó, nổi bật nhất là những di sản lý luận về công tác xây dựng Đảng và vai trò của Nhân dân. Ở đó, Nhân dân được khẳng định là “người sáng tạo nên lịch sử”, là trung tâm chiến lược phát triển trong mọi hoạt động của Đảng.


 Có thể nói, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến trọn đời và cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho Đảng, cho dân. Đồng chí đã dành tất cả sự nghiệp của mình, chăm lo xây dựng Đảng, chăm lo vun xới hạnh phúc của Nhân dân. Điều đó tạo nên cốt cách, nhân cách nhân văn Nguyễn Phú Trọng nổi bật, vừa chuẩn mực trong nguyên tắc, vừa giản dị, gần gũi trong lòng dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo của dân và vì dân.

Trong bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân”, Đại tướng Tô Lâm, Chủ tịch nước đã công bố một nhận định mang tính tổng kết lịch sử: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân”. Đây cũng là nhận định rất quảng đại của Nhân dân Việt Nam dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trải dài hơn nửa thế kỷ dấn thân làm người chiến sĩ cộng sản, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn noi theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh về “xây dựng Đảng trên nền Nhân dân”, bởi một chân lý rõ ràng: “Đảng có vững, cách mệnh mới thành công; cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.

Qua thực tiễn, quan sát, nghiên cứu lý luận, đồng chí Nguyễn Phú Trọng sớm nhận thấy nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự tan rã của các Đảng chính trị là do suy thoái, biến chất bởi sự quan liêu, tham nhũng, đặc quyền đặc lợi; rơi vào chủ nghĩa xét lại, cơ hội, hữu khuynh, dẫn đến mắc sai lầm về đường lối, thậm chí phản bội lại lý tưởng trong Cương lĩnh, làm cho Đảng mất sức chiến đấu.

Đồng chí cho rằng, “sự tan rã của Liên Xô có nguyên nhân cơ bản từ đó và đó là bài học vô cùng sâu sắc và đắt giá mà mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta cần phải thấm thía, luôn luôn khắc sâu, ghi nhớ, đừng để đi vào vết xe đổ đó”.

Điều này đã giúp đồng chí hình thành tư duy lý luận “tiền phong” rất đặc sắc, góp phần phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; bổ sung, hoàn thiện lý luận đường lối đổi mới của Đảng ta. Theo đó, công tác Đảng và xây dựng Đảng luôn chiếm vị trí đặc biệt trong sự nghiệp của đồng chí.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn có những nhận định rất sinh động: “Trong thời đại ngày nay, có lẽ không có nước nào trên thế giới lại không có Đảng (dù một Đảng hay nhiều Đảng) hoặc một tổ chức chính trị tương tự như Đảng lãnh đạo”.

Đồng chí cũng nhận thấy: “Thực tế ở nước ta, càng đi sâu vào đổi mới, đi vào phát triển kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập lại cần phải có sự lãnh đạo của Đảng, cần phải đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ XHCN. Từ đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định mạnh mẽ sự lãnh đạo của Đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng và ý nghĩa quan trọng của công tác xây dựng Đảng.

Trong bài viết nhân kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng (3/2/1030 - 3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định một chân lý: “Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” và đồng chí đặt ra yêu cầu, Đảng ta “phải luôn luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng”; đồng thời, thường xuyên kiến tạo, thúc giục Đảng phải kiên quyết, kiên trì “tổ chức xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh; nâng tầm lãnh đạo của Đảng lên cao hơn nữa, nâng sức chiến đấu của Đảng lên mạnh hơn nữa”; xây dựng Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh”; là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của dân tộc và của Nhân dân; đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp, của dân tộc và Nhân dân. Ngoài lợi ích đó, Đảng không có lợi ích nào khác.

Ngày 9/5/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành một văn bản có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về công tác xây dựng Đảng. Đó là, Quy định số 144 quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Đó là Quy định của Bộ Chính trị, song, suy ngẫm thật sâu lắng, có thể nhận thấy, nó như một bản “Di chúc” của Tổng Bí thư về Đảng, về công tác xây dựng Đảng kịp trước lúc đi xa.

Vượt qua hàm nghĩa của một văn bản pháp quy, Quy định số 144 là mong mỏi thiết tha của một “nhà lãnh đạo lỗi lạc”, là tiếng lòng của một nhà hiền triết, một sĩ phu luôn đau đáu vì vận mệnh của Đảng, của đất nước; là tình cảm da diết của một nhân cách lớn, luôn coi trọng danh dự, lẽ phải và quý trọng Nhân dân.

 

Chúng ta thật sự xúc động và không khỏi “động lòng” khi đọc và suy ngẫm toàn bộ nội dung Tổng Bí thư cùng tập thể Bộ Chính trị muốn gửi gắm, “căn dặn” Đảng ta, luôn nêu cao tinh thần: Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.

Trong đó, không chỉ đề cao vai trò của Nhân dân, lấy Nhân dân, con người làm trung tâm, làm thước đo giá trị để phấn đấu: Tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với Nhân dân. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; tạo điều kiện để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh. Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân lên trên hết, trước hết; kiên quyết, kiên trì đấu tranh với mọi hành vi gây phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân.

 

Với tầm cao chiến lược của một “nhà lãnh đạo lỗi lạc” và nhân cách lớn của một sĩ phu yêu nước, giản dị, khiêm nhường, liêm chính, chí công vô tư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho Đảng và Nhân dân ta những di sản lý luận quý giá về xây dựng Đảng và những tình cảm hết sức lớn lao.

Vượt qua sự cách biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gây dựng tình đoàn kết quốc tế đầy sáng tạo trên tinh thần “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, phù hợp với lịch sử và thời đại. Hàng trăm bức điện chia buồn với Đất nước và Nhân dân Việt Nam khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần của lãnh đạo nhiều nước, nhiều đảng trên thế giới cho thấy rõ điều đó.

Dù ở thể chế chính trị nào, hình thái xã hội nào, các thông điệp đều “bày tỏ sự trân trọng trước những cống hiến của Tổng Bí thư đối với Nhân dân Việt Nam cũng như vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư trong việc thúc đẩy quan hệ chặt chẽ của Việt Nam với các quốc gia khác thông qua đường lối ngoại giao cây tre” - Điện của Nhà vua Anh Charles III.

Điện chia buồn của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Joe Biden sau khi đánh giá công trạng và ghi nhận Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “là người đi đầu trong việc gây dựng mối quan hệ sâu sắc giữa Nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ”, đã khẳng định: “Nhờ sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, hai nước chúng ta đã có được tình hữu nghị và quan hệ đối tác như ngày hôm nay... Nhờ tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta, người dân Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như người dân trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày nay được sống trong môi trường an ninh và những cơ hội lớn hơn. Đó là nhờ công lao của Ngài Tổng Bí thư”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi dấu ấn đậm nét trong lòng Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh: “Đất nước Hoa Kỳ và cá nhân tôi sẽ luôn ghi nhớ, đánh giá cao cam kết của Ngài trong hàn gắn và xây dựng một tương lai vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới. Chúng tôi tôn vinh di sản của Ngài Tổng Bí thư và cùng với người dân Việt Nam xin được tỏ lòng tiếc thương sự ra đi của Ngài"…

Thế mới biết câu ngạn ngữ: “Thương dân, dân lập bàn thờ” đầy hàm ý dành cho những người lãnh đạo đất nước vì Nhân dân. Bàn thờ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Nhân dân lập nên chính là ở giữa lòng dân, giữa lòng dân tộc.

TS. Nguyễn Thành Vinh

(Ban Tuyên giáo Trung ương)

Ảnh: TTXVN


Thống kê truy cập

  • duong-link-khong-co Đang online: 264
    duong-link-khong-co Hôm nay: 1,088
    duong-link-khong-co Hôm qua: 2,844
    duong-link-khong-co Tuần này: 1,088
    duong-link-khong-co Tuần trước: 18,075
    duong-link-khong-co Tháng này: 165,334
    duong-link-khong-co Tháng trước: 206,358
    duong-link-khong-coTất cả: 2,452,376