Không chỉ góp phần quan trọng cung cấp khối lượng hàng hóa lớn cho người tiêu dùng, hệ thống siêu thị, bếp ăn tập thể trong tỉnh và các vùng lân cận, những năm gần đây, với sự hỗ trợ tích cực của tỉnh, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đã và đang nỗ lực tìm hướng đưa nông sản của tỉnh vươn xa, chinh phục được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Đài Loan và một số nước Châu Âu, đem lại những mùa xuân no ấm cho nhiều vùng quê.
húng tôi về thôn Minh Sơn, xã Ngọc Mỹ, Lập Thạch tìm gặp anh Nguyễn Văn Hoàng - 1 trong 63 nông dân được bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2018 và cũng là hộ nông dân đầu tiên của Lập Thạch có thanh long ruột đỏ xuất khẩu khi Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đã cận kề. Bên chén trà xanh đặc sánh, câu chuyện anh kể về “cái duyên” đến với thanh long ruột đỏ và hành trình tìm đường “xuất ngoại” cho loại quả đã giúp nhiều nông dân nơi một thời được coi là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” đổi đời khiến chúng tôi như quên đi cái lạnh buốt của sáng đầu đông phải vượt quãng đường dài gần 40 km từ thành phố Vĩnh Yên về Ngọc Mỹ.
Cây thanh long ruột đỏ đã đưa Nguyễn Văn Hoàng trở thành “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2018
Anh Hoàng không phải là người tiên phong trong Dự án thí điểm trồng thanh long ruột đỏ tại Lập Thạch bởi những năm 2010 trở về trước, anh đang có thu nhập ổn định từ nghề xây dựng. Nhưng rồi thấy diện tích 4ha đất đồi của gia đình nhiều năm trồng bạch đàn không hiệu quả, trong khi nhiều gia đình tại địa phương đã có thu nhập ổn định từ cây thanh long, anh quyết định cải tạo, biến khu đồi trọc thành những vườn trồng thanh long ruột đỏ. Năm 2011, tận dụng máy xúc của gia đình, anh Hoàng đã bỏ ra chi phí hàng tỷ đồng thuê 60 nhân công làm việc cật lực trong vòng ba tháng, bắt đầu mua giống trồng thanh long ruột đỏ. Thế nhưng, ngay vụ đầu tiên anh đã gặp thất bại do chưa có kinh nghiệm nên chất lượng quả kém, không được thị trường đón nhận. Không nản lòng, hai vợ chồng anh quyết định gửi con, lặn lội vào Bình Thuận, Vĩnh Long học hỏi kinh nghiệm rồi mua giống mới trồng lại. Từ năm 2016 đến nay, đều đặn mỗi vụ gia đình anh thu được 60 - 70 tấn, trừ chi phí thu lãi khoảng 700 triệu đồng. Với sản lượng trung bình mỗi năm khoảng 40 - 60 tấn quả, thanh long nhà anh Hoàng không chỉ có mặt trong các cửa hàng, siêu thị lớn ở Hà Nội mà còn được xuất khẩu sang Malaysia, Đài Loan và tháng 9/2018 đã có mặt tại Australia.
Khi được hỏi về bí quyết để quả thanh long ruột đỏ không chỉ có mặt trong các cửa hàng, siêu thị lớn ở Hà Nội mà còn có thể vượt qua hàng loạt tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe để xuất khẩu, anh Hoàng cho biết: "Vì mục tiêu hướng đến nông nghiệp sạch nên ngay từ trước lúc đưa thanh long về trồng, tôi đã đầu tư khoảng 800 triệu đồng mua phân hữu cơ để cải tạo dinh dưỡng cho đất, đồng thời, đầu tư hệ thống đường ống dẫn phân chuồng từ các trang trại lợn trong xã về ủ trong hầm bioga lớn để bón cho cây. Nhờ thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật chăm sóc và sử dụng loại nước tưới giàu chất hữu cơ, quả thanh long của gia đình luôn có vị ngọt đặc trưng và tuyệt đối an toàn với người tiêu dung nên được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đến ký hợp đồng liên kết xuất khẩu."
Cuối năm cũng là thời điểm người trồng chuối tiêu hồng tại xã Liên Châu, huyện Yên Lạc bước vào chính vụ thu hoạch chuối bán Tết. Không còn cảnh những khuôn mặt buồn bã, ủ rũ khi chuối tiêu hồng phải nhờ đến sự giải cứu của cộng đồng cách đây 2 năm, người trồng chuối đang rất phấn khởi vì vụ chuối Tết năm nay không chỉ được mùa, được giá mà sản phẩm chuối tiêu hồng của địa phương lần đầu tiên đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch. Tuy sản lượng xuất khẩu chưa lớn song sẽ mở ra hướng làm giàu mới cho người trồng chuối tiêu hồng.
Nụ cười tươi rói khi vừa “bán chuối, đếm tiền” ngay tại ruộng, bà Cao Thị Thơm, một trong những hộ đã nhiều năm gắn bó với nghề trồng chuối tiêu hồng ở xã Liên Châu tâm sự: "Nhờ cây chuối nên gia đình tôi khấm khá lên. Năm nay chuối vừa được mùa lại vừa được giá nên người trồng chuối sẽ ăn một cái Tết thật vui. Vẫn biết cây chuối dễ trồng, thích hợp với nhiều loại đất khác nhau và cho giá trị kinh tế khá cao nhưng giá cả thất thường, có năm được mùa nhưng giá quá thấp, không bù đủ chi phí và ngày công chăm bón nên chúng tôi rất lo lắng. Nếu giờ tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm chắc chắn chúng tôi sẽ gắn bó lâu dài với nghề và cố gắng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cho ra những sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu."
Nằm trong Dự án “Xây dựng mô hình thí điểm liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm” - giai đoạn 1 do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện, năm 2017, UBND xã Liên Châu đã giao 10 ha đất cho Công ty cổ phần Hoa quả và lương thực Việt Nam đưa vào thử nghiệm trồng chuối tiêu hồng theo tiêu chuẩn VietGap. Tháng 11/2018, công ty này đã thu hoạch được lứa chuối tiêu hồng đầu tiên và xuất khẩu gần 250 tấn sang thị trường Trung Quốc. Đáng nói, nếu như tại thị trường trong nước, giá chuối tiêu hồng khoảng từ 130 – 160đ/buồng thì khi xuất khẩu có giá trên 1 triệu đồng/buồng.
Ngay trong những ngày đầu năm 2019, Công ty Cổ phần Hoa quả và lương thực Việt Nam đã chuẩn bị cây giống, mặt bằng tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất thêm 40 ha vào đầu năm 2019 tại Liên Châu. Đồng thời, hoàn tất các thủ tục cần thiết để chuẩn bị xuất khẩu chuối tiêu hồng sang thị trường Nga và kế tiếp là thị trường Nhật Bản và các nước Châu Âu. Nếu thị trường ổn định, doanh nghiệp sẽ liên kết sản xuất với người dân địa phương. Khi đó, chuối tiêu hồng Liên Châu sẽ được bao tiêu sản phẩm, người dân địa phương sẽ được tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật để trồng chuối theo tiêu chuẩn VietGap.
Xuất khẩu chuối tiêu hồng đã và đang mở ra hướng làm giàu mới cho nhiều hộ dân vùng đất bãi Liên Châu
Do nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan khiến những năm gần đây xuất khẩu mật ong của Việt Nam giảm đáng kể, gây khó khăn cho người nuôi ong và doanh nghiệp. Thế nhưng, trong bối cảnh ấy, nhờ tìm ra hướng đi mới, tạo sự khác biệt đã giúp Công ty TNHH Ong Tam Đảo – Honeco đã cho ra thị trường những sản phẩm độc đáo, đưa thương hiệu mật ong Việt Nam nói chung và Tam Đảo nói riêng vươn ra thị trường quốc tế.
Được hình thành và phát triển trên nền tảng hơn 45 năm kinh nghiệm nuôi ong gia truyền, từ 200 đàn ong nội ban đầu, đến nay, Công ty TNHH Ong Tam Đảo - Honeco đã phát triển lên 5.000 đàn ong; đưa ra thị trường gần 40 chủng loại sản phẩm có chất lượng cao như: Sữa ong chúa, phấn hoa, tảo spirulina, mật ong rừng đặc biệt, mật ong núi Tam Đảo… với 38 đại lý ở các tỉnh, thành để quáng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, nhằm khai thác triệt để tác dụng của mật ong và sữa ong chúa, Công ty nghiên cứu thành công và cho ra đời những sản phẩm mật ong mới được sản xuất trên công nghệ nano chiết xuất từ hoạt chất quý hiếm của củ nghệ vàng, mang lại hiệu quả gấp 185 lần tinh bột nghệ thường và gấp 7.500 lần nghệ tươi có tác dụng hỗ trợ điều trị đau dạ dày, tá tràng và hỗ trợ phòng chống ung thư hiệu quả.
Bà Lê Thị Nga, Giám đốc Công ty cho biết, hiện doanh nghiệp có gần 40 loại sản phẩm mật ong, được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Mỗi năm, Công ty cung ứng ra thị trường từ 500 đến 600 tấn sản phẩm mật ong thành phẩm. Năm 2018 đạt hơn 620 tấn mật ong thành phẩm, chiếm trên 50% thị phần bán lẻ mật ong của cả nước, trong đó, xuất khẩu khoảng 120 tấn sang Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Không dừng lại đó, để sản phẩm mật ong Tam Đảo vươn xa hơn, Công ty đang xúc tiến làm việc với đối tác để đưa sản phẩm vào thị trường của Mỹ và một số nước châu Âu.
Cùng với thanh long ruột đỏ, chuối tiêu hồng và mật ong, Vĩnh Phúc còn có một số nông sản đã và đang tìm đường “xuất ngoại” như: Ớt, gừng, tinh bột nghệ… Thành công này là nhờ những cơ chế, chính sách kịp thời của tỉnh trong thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo nên động lực mạnh mẽ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia vào chuỗi sản xuất kinh doanh nông sản, góp phần liên kết hình thành chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, chất lượng và có giá trị kinh tế cao. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng và nhân rộng trong sản xuất góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, chất lượng và mẫu mã sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
Trên thực tế, để tìm đường xuất khẩu cho nông sản của tỉnh không phải chuyện dễ, nhất là khi các mặt hàng nông sản sẽ phải đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng phức tạp và khắt khe. Song với những thành công bước đầu đem lại, trong tương lai gần, xuất khẩu nông sản của tỉnh đang có hy vọng đạt những mốc kỷ lục mới. Và có dịp về các vùng quê trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương có sản phẩm nông sản xuất khẩu vào thời điểm này, chứng kiến không khí làm việc khẩn trương của người lao động cùng những chuyến xe lớn, nhỏ tấp nập vào ra cùng nụ cười mãn nguyện của người nông dân, chúng tôi cảm nhận mùa xuân ấm no đang ở rất gần…
Bích Phượng (vinhphuc.gov.vn)